Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á

Số đặc biệt, chủ đề “Chuyển đổi kinh tế - xã hội và kinh doanh hậu COVID-19"

 

 

THƯ MỜI VIẾT BÀI

 

GIỚI THIỆU

Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies – JABES) là Tạp chí khoa học quốc tế về lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, phát hành 4 số/năm (Phiên bản tiếng Anh trên hệ thống của Nhà xuất bản Emerald Group Publishing) và 12 số/năm (phiên bản tiếng Việt). Những bài viết nghiên cứu gửi đến Tạp chí đều được phản biện kín đánh giá nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chuẩn mực và nâng cao chất lượng học thuật của các bài báo khoa học.

Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á với tiền thân là Tạp chí Phát triển kinh tế (Journal of Economic Development – JED) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, ấn phẩm tiếng Việt được xuất bản từ năm 1990 (mã số ISSN 1859-1124), phát hành hàng tháng từ năm 1990; ấn phẩm tiếng Anh ra đời từ năm 1994 (với mã số ISSN 1859-1116) với tên gọi Economic Development Review (trước năm 2012) và sau đó đổi tên thành Journal of Economic Development (giai đoạn 2012–2017). Kể từ tháng 1/2018, Tạp chí Phát triển kinh tế chính thức đổi tên thành Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á. Đặc biệt, ấn phẩm tiếng Anh sẽ được xuất bản trên hệ thống của Nhà xuất bản Emerald Group Publishing bắt đầu từ năm 2018.

Thông qua nghiên cứu những giải pháp tiềm năng cả về phương diện lý thuyết và thực tiễn, Tạp chí luôn nỗ lực tìm kiếm các phương thức nhằm cải thiện tính bền vững của lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, cùng với quan điểm “Phát triển bền vững” là một quá trình thay đổi hướng đến lợi ích lâu dài của quốc gia, khu vực kinh tế, tổ chức, tập đoàn, công ty, và các cá nhân. Tạp chí luôn hoan nghênh các bài báo nghiên cứu về các chủ đề phát triển kinh tế và kinh doanh ở phạm vi toàn cầu, khu vực, quốc gia, và cả ở địa phương; đồng thời các nghiên cứu có giá trị về mặt chính sách, cũng như nhận được sự quan tâm từ các tổ chức quốc tế, chính phủ, các tổ chức thuộc khu vực công và tư, cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Các đề xuất và gợi ý chính sách đòi hỏi phải được dựa trên nghiên cứu phân tích và đánh giá chặt chẽ. 

MỤC TIÊU & CHỦ ĐỀ SỐ ĐẶC BIỆT

Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các nền kinh tế, các doanh nghiệp lớn và nhỏ trên toàn thế giới. Bên cạnh những tác động đến kinh tế, văn hoá, xã hội, lối sống thì dịch bệnh cũng đã trở thành động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển đổi để bắt kịp xu hướng kinh doanh trên các nền tảng công nghệ trong quá trình hồi phục hậu COVID-19. Việc chuyển đổi, đặc biệt là chuyển đổi số (Digital Transformation) đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, công nghệ số đã và đang được ứng dụng vào tất cả các khía cạnh quản lý kinh tế xã hội và kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu đạt được hiệu quả hoạt động chuyển đổi này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một nền kinh tế hay một doanh nghiệp vận hành. Vì vậy, số đặc biệt này khuyến khích những nghiên cứu mới nhất về các tác động của đại dịch COVID-19 đến sự chuyển đổi về mặt kinh tế - xã hội cũng như kinh doanh của các doanh nghiệp.

Dưới đây là một số chủ đề mà Số đặc biệt: "Chuyển đổi kinh tế xã hội và kinh doanh hậu COVID-19" hướng đến:

1. Chuyển đổi kinh tế xã hội hậu COVID-19

Với chủ đề này, JABES mời các đóng góp thảo luận về đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 về mặt kinh tế - xã hội trong nước, khu vực và thế giới. Ví dụ, các bài báo có thể tập trung vào các khía cạnh sau:

- Đánh giá các chính sách kinh tế - xã hội mà Việt Nam hay các quốc gia khác sử dụng nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

- Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế và chính sách tài khóa và tiền tệ (Monetary and Fiscal Policy) trong nước hoặc một số quốc gia.

- Đánh giá sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thị trường tài chính, lao động và hàng hóa.

- Đánh giá những thay đổi trong cơ cấu mậu dịch (Pattern of Trade).

- Đánh giá những thay đổi trong tính lưu động của vốn (Capital Mobility): Toàn cầu, quốc gia và địa phương.

- Đánh giá những bất bình đẳng nổi lên bởi đại dịch COVID-19 và các giải pháp về chính sách. Ví dụ như: các vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận các nguồn lực, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc, người chăm sóc - được trả lương và không được trả lương, các vấn đề về giới tính và tuổi tác, và các tác động trước mắt và lâu dài (như tác động đến sự phát triển và giáo dục đối với trẻ em). Các chính sách hoặc chương trình mới để tăng cường an ninh, và cho công dân, người lao động, người di cư hay những đối tượng khác.

2. Chuyển đổi kinh doanh hậu COVID-19

Với chủ đề này, JABES mời các đóng góp thảo luận về cách mà các công nghệ đổi mới có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau của doanh nghiệp để đối phó với đại dịch COVID-19. Ví dụ, các bài báo có thể tập trung vào các khía cạnh sau:

- Các công nghệ đổi mới có thể giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức như thế nào trong thời kỳ khủng hoảng đại dịch COVID-19. Ví dụ như, cách sử dụng các công nghệ đổi mới để tái thiết lập các mô hình kinh doanh.

- Đánh giá những lợi ích và thách thức đối với các doanh nghiệp đang cố gắng triển khai các công nghệ đổi mới trong thời kỳ khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19.

- Đánh giá COVID 19 và sự chuyển đổi số của các doanh nghiệp khi áp dụng các công nghệ đổi mới.

- Đánh giá những tiến bộ và ứng dụng lý thuyết (Applications of Theories) để nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về việc sử dụng các công nghệ đổi mới sáng tạo trong và sau giai đoạn đại dịch COVID-19.

- Đánh giá sự ảnh hưởng của COVID-19 đến cách thức các doanh nghiệp muốn tương tác và thu hút khách hàng ở phạm vi trong nước hoặc quốc tế.

- Đánh giá sự thay đổi về nhu cầu và sở thích của khách hàng trong việc sử dụng các công nghệ đổi mới sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và điều này có thể tác động như thế nào đến các doanh nghiệp.

- Đánh giá những thách thức đối với doanh nghiệp trong việc lựa chọn sử dụng phù hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) để đối phó với tình huống chưa từng xảy ra của đại dịch COVID-19.

- Các vấn đề trong quá trình ra quyết định liên quan đến việc quản lý các tài năng và kỹ năng cần thiết từ các doanh nghiệp để sử dụng các công nghệ đổi mới trong và sau giai đoạn COVID-19.

- Vai trò của các chính sách thể chế và sự tham gia của các nghiên cứu học thuật trong việc giúp hình thành các chính sách cho doanh nghiệp sử dụng các công nghệ; sự hợp tác giữa các trường đại học, các ngành công nghiệp trong và sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

 

HƯỚNG DẪN NỘP BÀI VIẾT

Tác giả sẽ nộp trực tiếp bài viết cho số đặc biệt này đến Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á thông qua hệ thống quản trị bài trực tuyến của Tạp chí trên website www.jabes.ueh.edu.vn.

Để chuẩn bị và gửi bài viết, Tác giả cần tham khảo những hướng dẫn sau:

     Hướng dẫn chuẩn bị bài viết:

http://jabes.ueh.edu.vn/Home/Module?path=Distribution_vi

     Đạo đức xuất bản:

http://jabes.ueh.edu.vn/Home/Module?path=JABESAuthorGuidelines_vi

     Hướng dẫn sử dụng hệ thống gửi bài:

http://jabes.ueh.edu.vn/Home/Module?path=SystemUseGuide_User_vi 

Lưu ý: Khi gửi bài viết trên hệ thống của JABES, vui lòng chọn loại bài viết là “S06-Số đặc biệt (Chuyển đổi KTXH & KD hậu COVID-19)"

 

CÁC MỐC THỜI GIAN QUAN TRỌNG

· Thời gian mời viết bài: Ngày 01/03/2021

·  Hạn cuối nộp bài: Ngày 30/06/2021 (Gia hạn đến ngày 15/07/2021)

·  Thời gian công bố kết quả phản biện: Ngày 15/09/2021

·  Hạn cuối chỉnh sửa bài viết: Ngày 30/09/2021

·  Thông báo kết quả chấp nhận hoặc từ chối bài viết: Ngày 30/10/2021

·  Thời gian xuất bản dự kiến: Tháng 12/2021

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Nếu tác giả có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến Số đặc biệt của Tạp chí NCKT&KDCA, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các kênh hỗ trợ sau:

Chuyên gia Phụ trách "S06-Số đặc biệt (Chuyển đổi KTXH & KD hậu COVID-19)":

TS. Lê Nhật Hạnh

Khoa Quản trị, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – email: hanhln@ueh.edu.vn

Trợ lý Tổng biên tập:

ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn

Tạp chí NCKT&KDCA, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – email: toanhld@ueh.edu.vn

Thư ký tòa soạn:

ThS. Đào Thị Minh Huyền

Tạp chí NCKT&KDCA, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – email: vi.jabes@ueh.edu.vn

Số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật: 028 38295635 (gặp Thư ký tòa soạn)