|
Tác động của chính sách phúc lợi bắt buộc dành cho người lao động đến năng suất lao động của các DNNVV Việt Nam
2022, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á
Mở rộng
Tóm tắt
Mặc dù có một lượng lớn nghiên cứu về mối quan hệ giữa chế độ đãi ngộ dành cho người lao động và năng suất doanh nghiệp, các nhà kinh tế ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào cơ cấu tiền lương, điều này dường như vẫn chưa đạt được hiệu quả. Và hiện vẫn còn ít quan tâm đến các phúc lợi phi tiền tệ cho người lao động. Nghiên cứu này nghiên cứu tác động của chính sách phúc lợi ngoài lương đến năng suất lao động (NSLĐ) của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Ước tính FEM và REM với các biến công cụ được áp dụng cho tập dữ liệu bảng được trích xuất từ các cuộc điều tra DNVVN 2011-2015 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện. Chúng tôi nhận thấy rằng các phúc lợi ngoài lương ở các DNNVV có tác động đáng kể đến năng suất lao động. Tuy nhiên, tác động có thể tích cực hoặc tiêu cực, tùy thuộc vào các lý do khác nhau.
Download
Lựa chọn ngành học tác động thế nào đến tiền lương của sinh viên sau khi ra trường? Bằng chứng từ Việt Nam
2022, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á
Mở rộng
Tóm tắt
Bài báo xem xét sự việc lựa chọn ngành học đại học có tác động thế nào đến tiền lương của sinh viên sau khi ra trường. Từ dữ liệu từ Điều tra Lao động năm 2019, tác giả quan tâm đến đối tượng sinh viên đã tốt nghiệp có độ tuổi từ 21 đến 33. Nghiên cứu áp dụng mô hình Heckman, trong đó tỷ số Mills nghịch đảo (Inverse Mills Ratio) được thêm vào mô hình để giải quyết sự sai lệch do chọn mẫu, gây ra bởi tình trạng mức lương không quan sát được cho những người không có việc làm. Mô hình Heckman ước lượng hàm tiền lương đồng thời giải thích quyết định lựa chọn tham gia thị trường lao động. Kết quả nghiên cứu cho thấy bằng cấp đại học tác động tích cực đến quyết định tham gia thị trường lao động của thanh niên. Phương trình tiền lương cho thấy sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành về Sinh học, Nông nghiệp, Luật và Giáo dục có mức lương sau khi ra trường thấp hơn nhóm Kỹ sư & Công nghệ lần lượt ở mức 8,1%, 12,4%, 12,1% và 6,2%. Mặt khác, những sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực Quốc phòng & An ninh cũng như Nghệ thuật & Thiết kế sáng tạo thu được mức lương cao hơn so với nhóm Kỹ sư & Công nghệ ở mức 16,5% và 7,0%.
Download
Ưu điểm ngoại hình và khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động
2022, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á
Mở rộng
Tóm tắt
Các nghiên cứu trước đây ở các quốc gia khác nhau đã phát hiện ra rằng những nhân viên có ngoại hình tốt sẽ có lợi hơn trong việc làm, điều này có thể được giải thích là do năng suất lao động cao hơn hoặc do sự phân biệt đối xử. Nghiên cứu này đóng góp vào tài liệu thực nghiệm về ngoại hình và tác động của nó lên hiệu quả cạnh tranh trên thị trường việc làm bằng cách sử dụng bộ dữ liệu tự khảo sát trong đó đối tượng được đánh giá cung cấp các thông tin và tự đánh giá về ngoại hình của bản thân. Tập trung phân tích tác động của ưu điểm về ngoại hình đối với khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động bao gồm tiền lương, thời gian tìm việc, tăng lương và sự thăng tiến. Kết quả nghiên cứu cho thấy chiều cao không ảnh hưởng đến khả năng nhân viên có được một mức lương cao hơn bao gồm cả nam và nữ, tuy nhiên nhân viên nam có cân nặng lớn hơn sẽ có khả năng nhận được mức lương thấp hơn. Ngoài ra, phụ nữ có vòng eo lớn mất nhiều thời gian hơn để tìm việc, và có hình xăm dễ nhìn thấy khiến họ gặp khó khăn trong quá trình thăng tiến.
Download
Phân tích yếu tố ảnh hưởng đến quyết định làm việc trái ngành và trái trình độ: Trường hợp nghiên cứu tại Việt Nam
2022, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á
Mở rộng
Tóm tắt
Sự bùng nổ số lượng các trường Đại học – cao đẳng ở Việt Nam trong gần 2 thập kỷ gần đây đã dẫn đến sự mất cân đối trên thị trường lao động. Tuy nhiên, rât ít bài nghiên cứu quan tâm đến tình trạng không phù hợp giữa đào tạo và việc làm của người lao động ở Việt nam. Thông qua cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2019, chúng tôi thảo luận các yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định làm việc trái trình độ và làm việc trái ngành của người lao động. Theo đó, tuổi, thu nhập khác, tình trạng di cư, xếp loại tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm việc trái trình độ; trong khi đó, số người phụ thuộc, thu nhập vợ chồng, số năm đi học cũng như đặc điểm của chương trình học ảnh hưởng đến quyết định làm việc trái ngành.
Download
Phân tích sự đóng góp của vốn nhân lực đến thu nhập và chênh lệch thu nhập theo yếu tố dân tộc tại đồng bằng sông Cửu Long
2022, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á
Mở rộng
Tóm tắt
Nghiên cứu này vận dụng lý thuyết vốn nhân lực của Mincer nhằm phân tích sự đóng góp của học vấn và kinh nghiệm đến thu nhập và chênh lệch thu nhập đối với 7.558 người lao động thuộc dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số tại đồng bằng sông Cửu Long, dựa vào Dữ liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2018 của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Phương pháp ước lượng tương quan theo phương trình thu nhập của Mincer và phân tích thành phần Oaxaca và Blinder được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả phân tích thống kê cho thấy tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số chiếm gần 8% tổng số lao động toàn vùng và họ đối mặt với hạn chế về học vấn so với lao động dân tộc Kinh. Liên quan đến thu nhập, lao động dân tộc thiểu số chỉ nhận khoảng 80% (hoặc thấp hơn xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng) so với mức thu nhập của lao động dân tộc Kinh trên thị trường lao động. Sự chênh lệch này một phần do ảnh hưởng của hạn chế về vốn nhân lực (chiếm 57%); trong khi đó, sự ảnh hưởng của vốn nhân lực đến chênh lệch thu nhập giữa lao động thành thị và nông thôn chỉ ở mức 22%. Xuất phát từ kết quả nghiên cứu, một vài hàm ý chính sách liên quan đến đầu tư về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số cần được quan tâm nhằm cải thiện thu nhập và thu hẹp chênh lệch thu nhập trên thị trường lao động.
Download
|