THƯ MỜI VIẾT BÀI

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU KINH TẾ VÀ KINH DOANH CHÂU Á

Số đặc biệt S01-SĐB2022 (TCNH), Chủ đề “Công nghệ tài chính (FinTech), Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) và Chuyển đổi số trong ngành Tài chính - Ngân hàng”

 

GIỚI THIỆU

Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies – JABES) – tiền thân là Tạp chí Phát triển kinh tế (Journal of Economic Development – JED), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Đây là Tạp chí khoa học về lĩnh vực kinh tế và kinh doanh bao gồm hai phiên bản: Phiên bản tiếng Việt (JABES-V) và Phiên bản tiếng Anh (JABES-E). JABES-V xuất bản 12 số/năm, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm cao nhất trong các Tạp chí khoa học xuất bản tại Việt Nam. JABES-E phát hành 4 số/năm trên hệ thống Nhà xuất bản Quốc tế Emerald từ tháng 5/2018 và đã chào đón cộng đồng học giả toàn cầu.

Ra đời từ năm 1990, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, JABES ngày nay đã khẳng định vị thế của một tạp chí khoa học kinh tế uy tín lớn ở Việt Nam, có sức lan toả và ảnh hưởng rộng trong giới nghiên cứu học thuật, các nhà quản lý - hoạch định chính sách và đang từng bước vươn tầm khu vực và quốc tế. Tạp chí đã và đang nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng khoa học, cải tiến về nội dung và hình thức để tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Ngày 9/6/2021, JABES-E của UEH là Tạp chí ngành kinh tế đầu tiên của Việt Nam chính thức được công nhận vào Danh mục trích dẫn các nguồn mới nổi ESCI (Emerging Sources Citation Index) – Cơ sở dữ liệu các tạp chí khoa học của Web of Science thuộc Clarivate Analytics; ngày 02/9/2021, JABES-E tiếp tục nhận được thông báo từ Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (American Economic Association) về việc thẩm định và chính thức đưa vào danh mục cơ sở dữ liệu EconLit (Economic Literature). Đáng chú ý, ngày 6/3/2022, sau quá trình nỗ lực bền bỉ, lâu dài, cùng quy trình đăng ký, thẩm định, đánh giá và xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt, JABES của UEH chính thức ghi tên vào danh sách các tạp chí thuộc danh mục SCOPUS. Đồng thời, trở thành tạp chí khối ngành Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), kinh doanh và quản lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào chỉ mục khoa học uy tín này. Như vậy, hiện nay, JABES-E đã được chỉ mục trong: SCOPUS, ESCI, EconLit, EBSCO, Cabell's Directories, Discovery Service, Directory of Open Access Journals (DOAJ), ASEAN Citation Index (ACI), Google Scholar, WorldCat, Proquest... (tham khảo thêm tại đường dẫn: https://www.emeraldgrouppublishing.com/journal/jabes#indexing-and-rankings).

Thông qua nghiên cứu những giải pháp tiềm năng cả về phương diện lý thuyết và thực tiễn, Tạp chí luôn nỗ lực tìm kiếm các phương thức nhằm cải thiện tính bền vững của lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, cùng với quan điểm “Phát triển bền vững” là một quá trình thay đổi hướng đến lợi ích lâu dài của quốc gia, khu vực kinh tế, tổ chức, tập đoàn, công ty, và các cá nhân. Tạp chí luôn hoan nghênh các bài báo nghiên cứu về các chủ đề phát triển kinh tế và kinh doanh ở phạm vi toàn cầu, khu vực, quốc gia, và cả ở địa phương; đồng thời các nghiên cứu có giá trị về mặt chính sách, cũng như nhận được sự quan tâm từ các tổ chức quốc tế, chính phủ, các tổ chức thuộc khu vực công và tư, cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Các đề xuất và gợi ý chính sách đòi hỏi phải được dựa trên nghiên cứu phân tích và đánh giá chặt chẽ. 

 

MỤC TIÊU & CHỦ ĐỀ SỐ ĐẶC BIỆT

Sự xuất hiện ngày càng rộng rãi của các ứng dụng công nghệ trong ngành Tài chính - Ngân Hàng (FinTech) như tiền kỹ thuật số / tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC); các ứng dụng tài chính phi tập trung; các ứng dụng của công nghệ Blockchain, Internet vạn vật và máy học đã tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho ngành Tài chính - Ngân hàng trong việc chuyển đổi số. Đặc biệt, mặc dù có lập trường thận trọng đối với tiền kỹ thuật số hoặc tiền điện tử, ngày càng nhiều các ngân hàng trung ương đã hoặc đang xem xét việc áp dụng một loại hình tiền kỹ thuật số của riêng họ.

Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng FinTech và CBDC không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn bao gồm các cân nhắc về các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường và đạo đức. Các thách thức và cơ hội có thể kể đến như các vấn đề về quyền riêng tư và khả năng tận dụng FinTech và CBDC để nâng cao vấn đề tài chính toàn diện (Financial Inclusion), đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, CBDC cũng sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân, các nền tảng kỹ thuật số chính thống và hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi).  

Hơn nữa, còn có những lo ngại về việc việc áp dụng các ứng dụng FinTech và CBDC sẽ tác động như thế nào đối với các chính sách phát triển kinh tế và tiền tệ của một quốc gia. Điều này bao gồm xem xét sự tác động của các công nghệ tài chính, hệ sinh thái phi tập trung và CBDC đến cơ chế truyền tải của chính sách tiền tệ, các hoạt động của lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và thị trường hàng hóa và dịch vụ.

Số đặc biệt này sẽ được dành cho các khám phá mới liên quan đến việc áp dụng, triển khai và tác động của các công nghệ tài chính và tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) đối với tương lai của ngành Tài chính - Ngân hàng, có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các chủ đề sau:

§  Chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng

§  Công nghệ Blockchain/AI/IOT và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng

§  Fintech và chuyển đổi số trong ngành Tài chính - Ngân hàng

§  Sự tác động của FinTech và CBDC đến hiệu quả kinh doanh của các định chế tài chính

§  Sự tác động của Blockchain/AI/IOT đến hiệu quả kinh doanh của các định chế tài chính

§  CBDC và đổi mới sáng tạo trong ngành Tài chính - Ngân hàng

§  Đổi mới các quy định pháp lý trong ngành Tài chính - Ngân hàng trong kỹ nguyên FinTech và CBDC

§  FinTech/CBDC và tài chính toàn diện

§  Văn hóa quốc gia và việc áp dụng FinTech và CBDC

§  Tác động của CBDC/FinTech đối với thương mại toàn cầu

§  Cạnh tranh giữa CBDC và các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân

§  Cạnh tranh giữa CBDC với các hệ thống thanh toán toàn cầu

§  Tác động của CBDC đối với hệ sinh thái tài chính phi tập trung

§  CBDC/FinTech và quyền riêng tư cá nhân

§  Tác động của CBDC và FinTech với thuế và trốn thuế

§  Tác động của CBDC đối với nhu cầu về tiền điện tử

§  Các chu kỳ kinh doanh và các chính sách kinh tế vĩ mô trong thời kỳ FinTech và CBDC

§  CBDC/FinTech và mức độ hiệu quả của chính sách tiền tệ

§  Sự độc lập của ngân hàng trung ương trong kỷ nguyên tiền tệ kỹ thuật số.

§  CBDC và các cú sốc đối với kinh tế vĩ mô

§  Tỷ giá hối đoái và CBDCs

§  Tương tác giữa CBDC và tiền pháp định truyền thống

§  Các cú sốc tài chính trong kỷ nguyên CBDC và FinTech

§  Hoạch định chính sách kinh tế ở các thị trường mới nổi và CBDC

§  FinTech và CBDC

§  Học máy và CBDC

  

HƯỚNG DẪN NỘP BÀI VIẾT

Tác giả sẽ nộp trực tiếp bài viết cho số đặc biệt này đến Tạp chí NCKT&KDCA thông qua hệ thống quản trị bài trực tuyến của Tạp chí trên website www.jabes.ueh.edu.vn.

Để chuẩn bị và gửi bài viết, Tác giả cần tham khảo những hướng dẫn sau:

     Hướng dẫn chuẩn bị bài viết:

http://jabes.ueh.edu.vn/Home/Module?path=Distribution_vi

     Đạo đức xuất bản:

http://jabes.ueh.edu.vn/Home/Module?path=JABESAuthorGuidelines_vi

     Hướng dẫn sử dụng hệ thống gửi bài:

http://jabes.ueh.edu.vn/Home/Module?path=SystemUseGuide_User_vi 

Lưu ý: Khi gửi bài viết trên hệ thống của JABES, vui lòng chọn loại bài viết là “S01-SĐB2022 (TCNH)"

CÁC MỐC THỜI GIAN QUAN TRỌNG

·   Hạn cuối nộp bài: Ngày 31/12/2022

·   Thông báo kết quả chấp nhận hoặc từ chối bài viết: Tháng 3/2023

·   Thời gian xuất bản dự kiến: Năm 2023

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Tác giả có yêu cầu liên quan đến Số đặc biệt của Tạp chí NCKT&KDCA, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các kênh hỗ trợ sau:

Chuyên gia Phụ trách Số đặc biệt

TS. Ngô Minh Vũ

Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – email: vunm@ueh.edu.vn

Trợ lý Tổng biên tập:

TS. Huỳnh Lưu Đức Toàn

Tạp chí NCKT&KDCA, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – email: toanhld@ueh.edu.vn

Thư ký tòa soạn:

ThS. Đào Thị Minh Huyền

Tạp chí NCKT&KDCA, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – email: vi.jabes@ueh.edu.vn

Số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật: 028 38295635 (gặp Thư ký tòa soạn)